Giới thiệu chung Khu kinh tế Vân Phong
Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch với diện tích 150.0000ha trải dài địa bàn 11 xã và 01 thị trấn của Huyện Vạn Ninh và 09 xã của Thị xã Ninh Hoà.
*Tổng quan:
- Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang khoảng 30 km về phía Bắc; được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước) trên địa bàn 12 xã thị trấn của huyện Vạn Ninh và 9 xã phường của thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ - Việt Nam.
* Vị trí:
Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa:
- Cách TP HCM: khoảng 500 km.
- Cách Thủ đô Hà Nội: khoảng 1.200 km.
- Cách Tp. Nha Trang (trung tâm tỉnh Khánh Hòa) về phía Bắc: khoảng 30 km.
- Cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 65 km về phía Nam Khu kinh tế.
- Cách sân bay Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên khoảng 40 km về phía Bắc Khu kinh tế.
* Cơ sở Hạ tầng:
- Đường Bộ: Quốc lộ 1, Quốc lộ 26B, Tỉnh lộ 1A, Tỉnh lộ 1B, đường từ Quốc lộ 1A đi Ninh Hải kết nối các khu chức năng khu vực Nam Vân Phong, đường trục chính từ Quốc lộ 1A (Đèo Cổ Mã) đến Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
- Đường cao tốc: 2 tuyến cao tốc đang triển khai xây dựng kết nối khu kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, cụ thể:
+ Cao tốc Bắc Nam;
+ Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
- Đường biển: Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (70.000 DWT) liền kề KCN Ninh Thủy; Bến Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (50.000 DWT) tại Đầm Môn; Cảng Hòn Khói (3.000 DWT) và các cảng chuyên dùng khác...
- Đường hàng không: cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 65 km về phía Nam Khu kinh tế, cách sân bay Tuy Hòa – tỉnh Phú Yên khoảng 40 km về phía Bắc Khu kinh tế.
- Cảng hàng không quốc tế Vân Phong được quy hoạch với diện tích 497ha tại xã Vạn Thắng. Sân bay Vân Phong được quy hoạch xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1 với đường băng dài 3.050m, cao trình sân bay +5m, vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, thời gian nghiên cứu, xây dựng trong giai đoạn 2023-2029 theo hình thức PPP.
- Đường sắt: đường sắt Bắc Nam chạy dọc Khu kinh tế.
- Đường sắt tốc độ cao (đang nghiên cứu triển khai phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam)
- Cấp nước: hệ thống cấp nước từ hồ Đá Bàn (75 triệu m3); hồ Tiên Du (9 triệu m3); hồ Đồng Điền (dung tích 100 triệu m3); hồ Hoa Sơn (19 triệu m3).
- Cấp điện: Điện lưới quốc gia qua trạm 220KV Tuy Hòa - Nha Trang; Trạm 110KV tại KCN Ninh Thủy; điện lưới hạ thế 35KV được lắp đặt đến khu vực Cảng trung chuyển quốc tế.
- Bệnh viện đa khoa, các trường học, các khu du lịch… được xây dựng đồng bộ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân và người lao động tại KKT.
- Hệ thống thông tin liên lạc, nguồn nhân lực, các khu tái định cư cơ bản sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.
* Định hướng phát triển:
Khu kinh tế Vân Phong là một khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, với mục tiêu trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là một trong ba khu kinh tế trọng điểm của cả nước (Phú Quốc và Vân Đồn)
Về định hướng phát triển, trong Khu Vân Phong, ở bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn sẽ phát triển du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải biển và logistics, dịch vụ thương mại - tài chính; khu vực Cổ Mã - Tu Bông làm dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; thị trấn Vạn Giã và phía Nam phát triển đô thị và dịch vụ công nghệ cao, du lịch sinh thái; phía Tây Quốc lộ 1 phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết từ nay đến năm 2025, dự kiến cần 53.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20 km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc Nam và 2 nhà ga. Bên cạnh đó, xây dựng thêm hệ thống điện 300 km; hệ thống nước lấy từ hồ Hoa Sơn và xây mới hồ Đồng Điền khoảng 100 triệu m3; hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác, hệ thống liên lạc...
Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như 65 trường mẫu giáo, 39 trường THCS, 26 trường THPT; 3 bệnh viện, 67 trạm y tế, phòng khám; sân vận động, cung văn hóa... Đồng thời, giải phóng mặt bằng cũng cần 15.000 tỉ đồng và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.
QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ VÂN PHONG, TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 (sau điều chỉnh quy hoạch chung):
Ngày 27/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân phong, tỉnh Khánh hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050 có tính chất:
- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
- Là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
- Là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
* Khu kinh tế Vân Phong được xác định 19 phân khu, gồm: Phân khu 01 - Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn; Phân khu 02 - Khu du lịch Núi Khải Lương; Phân khu 03 - Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch cao cấp Đầm Môn; Phân khu 04 - Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son; Phân khu 05 - Khu đô thị, dịch vụ du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang; Phân khu 06 - Khu du lịch Đảo Điệp Sơn; Phân khu 07 - Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh; Phân khu 08 - Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông; Phân khu 09 - Khu sinh thái núi Tây Tu Bông; Phân khu 10 - Khu sinh thái núi Tây Vạn Giã; Phân khu 11 - Khu đô thị Vạn Giã và vùng phụ cận; Phân khu 12 - Khu đô thị Nam Vạn Giã; Phân khu 13 - Khu công nghiệp, dịch vụ Vạn Hưng; Phân khu 14 - Khu đô thị sinh thái đa năng Ninh Hải; Phân khu 15 - Khu dịch vụ đô thị, công nghiệp Tây Ninh An; Phân khu 16 - Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hoà; Phân khu 17 - Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo; Phân khu 18 - Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hoà; Phân khu 19 - Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong.

- KHU VỰC BẮC VÂN PHONG:
Khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) được định hướng quy hoạch các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.
Một số dự án KDL sinh thái đã và đang triển khai: KDL Bãi Cát Thắm (diện tích: 160 ha mặt nước, 295ha mặt đất, tổng vốn đầu tư: 25.253 tỷ đồng); KDL Bãi Ông Hào (diện tích: 5,2ha mặt nước, 5,75ha mặt đất; tổng vốn đầu tư: 53 tỷ đồng) KDL Bãi Ông Nghi (diện tích: 06ha mặt nước, 15ha mặt đất; tổng vốn đầu tư: 149,5 tỷ đồng); Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (50.000 DWT; 20 triệu USD).
- KHU VỰC NAM VÂN PHONG:
Khu vực Nam Vân Phong (khu vực phía Đông thị xã Ninh Hòa) được định hướng quy hoạch cảng trung chuyển Container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển, dọc theo tỉnh lộ 652D cũng như phía Đông đường sắt quốc gia Bắc - Nam.
Một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang triển khai tại khu vực này như: Nhà máy đóng tàu Hyundai- Việt Nam (800.000 DWT; 475 triệu USD), Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (sức chứa 500.000 m3; 125 triệu USD), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (70.000 DWT; 40 triệu USD), Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1.320 MW; 2,58 tỷ USD)…